Tham gia cuộc họp có đông đủ lãnh đạo đại diện các trường đại học thành viên và đơn vị trực thuộc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu thể hiện sự đồng thuận cao về việc giữ vững mô hình đại học quốc gia, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng, phản ánh sát thực tiễn quản trị và phát triển đại học tại Việt Nam hiện nay.
ĐHQGHN: Mô hình tiên phong cần được thể chế hóa ổn định, tạo đà phát triển đột phá
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường nhấn mạnh: “Mô hình đại học quốc gia là thành quả từ tư duy cải cách giáo dục, đã được ghi nhận trong Hiến pháp, phát huy hiệu quả trong thực tiễn và tạo ra những đóng góp nổi bật cho giáo dục – khoa học công nghệ – đổi mới sáng tạo. ĐHQGHN với vai trò tiên phong, cần tiếp tục được khẳng định trong luật, đồng thời có cơ chế phù hợp để phát triển đột phá, dẫn dắt hệ thống giáo dục đại học cả nước”.
Phó Giám đốc Đào Thanh Trường cũng yêu cầu các đơn vị thành viên tích cực đóng góp ý kiến để ĐHQGHN có cơ sở xây dựng báo cáo tổng hợp trình Bộ Giáo dục và Đào tạo, phản ánh đầy đủ nguyện vọng, kinh nghiệm và đề xuất từ thực tiễn vận hành mô hình đại học quốc gia.
Trước đó các giáo sư, nhà khoa học của ĐHQGHN cũng đã có những nhận định về mô hình đại học quốc gia và được cộng đồng đón nhận. GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN là một trong những người đã đồng hành cùng chặng đường 30 năm phát triển của ĐHQGHN khẳng định mô hình đại học quốc gia chắc chắn là khác biệt và là một mô hình đại học hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển đại học thế giới.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết: Đến nay ĐHQGHN đã hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành đa lĩnh vực với 9 trường đại học thành viên, 3 viện nghiên cứu, 3 trường/ khoa trực thuộc. Quy mô đào tạo của ĐHQGHN vào khoảng 60.000 sinh viên chính quy và quy mô đào tạo nghiên cứu sinh đã lên tới 1.100.
Cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực như trên, ĐHQGHN có thế mạnh lớn để tham gia giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ trọng điểm của đất nước trong tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực trọng yếu như: Hàng không vũ trụ, Tự động hóa và Tin học, Trí tuệ nhân tạo, Xây dựng – giao thông, Công nghệ nano, An ninh phi truyền thống, ... Trong số các trường THPT chuyên, Trường THPT chuyên KHTN đã đạt được nhiều thành tích trên đấu trường quốc tế và châu lục, đứng đầu về huy chương vàng quốc tế ở Việt Nam.
ĐHQGHN đã xây dựng các chương trình đặc biệt để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Lần đầu tiên ở Việt Nam, năm 1997, ĐHQGHN đã xây dựng và triển khai dự án “Đào tạo cử nhân khoa học tài năng” và từ năm 2001, là Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tài năng”. Mục tiêu của Dự án năm 2001 là khai thác tiềm lực và thế mạnh của ĐHQGHN về cơ sở vật chất và đội ngũ khoa học đầu ngành để tham gia đào tạo các nhà khoa học giỏi thuộc các ngành khoa học cơ bản cốt lõi, các ngành công nghệ cao và kinh tế xã hội mũi nhọn.
Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đặc biệt là đội ngũ giảng viên các khoa học cơ bản tại các trường đại học, cao đẳng cũng như các nghiên cứu viên, nhà quản lý, chuyển giao công nghệ tài năng tại các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị trong toàn quốc, với đầu vào hệ cử nhân khoa học tài năng là các em đoạt các giải olympic quốc tế, quốc gia và có điểm thi đại học đầu vào xuất sắc.
Các trường thành viên, trực thuộc đồng thuận: Mô hình ĐHQG mang lại lợi thế phát triển
Tại cuộc họp, tất cả các đơn vị đều bày tỏ quan điểm nhất quán ủng hộ mạnh mẽ mô hình đại học quốc gia hiện nay, khẳng định đây là mô hình đặc biệt cần được luật hóa ổn định để bảo đảm sự phát triển đồng bộ và bền vững.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ giữ vững mô hình đại học quốc gia. Mô hình này tạo ra nhiều thuận lợi trong phát triển học thuật, tăng lợi thế trong hợp tác quốc tế và có căn cứ pháp lý vững chắc trong Hiến pháp. ĐHQGHN chính là đơn vị đầu tiên chứng minh hiệu quả vận hành mô hình đặc biệt này. Cần có sự linh hoạt về mở ngành, và cơ chế tự chủ phù hợp hơn cho các trường thành viên".
Cần truyền thông rõ ràng để dư luận và nhà quản lý nhận thức được rằng: một ĐHQGHN mạnh thì từng trường thành viên mới mạnh và ngược lại. Việc xây dựng thương hiệu OneVNU là chiến lược dài hạn, không chỉ để khẳng định mô hình mà còn lan tỏa giá trị khoa học – giáo dục – công nghệ mà ĐHQGHN đang tiên phong – bà Hoàng Anh khẳng định.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Trần Thành Nam kiến nghị truyền thông đồng bộ, khẳng định hình ảnh OneVNU.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục đề xuất: Luật nên phản ánh đầy đủ tính linh hoạt của mô hình đại học quốc gia, trong đó có khả năng kết nối giữa các cấp học (kể cả cao đẳng), phát triển theo hệ sinh thái mở, quản trị dựa trên hậu kiểm – phù hợp với xu thế quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh cần có các quy định cụ thể về thẩm quyền, chức năng giữa hội đồng trường, ban giám hiệu và vai trò điều phối của ĐHQGHN, để đảm bảo quản trị minh bạch, hiệu quả và thực quyền.
Nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh việc góp ý luật, cần tăng cường truyền thông để dư luận hiểu đúng, hiểu đủ về mô hình đại học quốc gia.
Góp ý các chính sách trọng tâm từ thực tiễn quản trị đại học
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng tập trung góp ý theo 6 nhóm chính sách do Bộ GD&ĐT đề xuất, đặc biệt là các nội dung liên quan đến tự chủ đại học, cơ chế mở ngành, kiểm định chất lượng và phát triển đội ngũ.
Trưởng Ban Đào tạo và Công tác Sinh viên, ĐHQGHN Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Những góp ý tại cuộc họp là căn cứ quan trọng để kiến nghị các điều luật sát với thực tiễn, nhằm thúc đẩy chất lượng và hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Nguyễn Quang Thuận đề nghị cần “cởi trói” các thủ tục kiểm định, cho phép mô hình ĐHQGHN áp dụng linh hoạt hơn để phù hợp với đặc thù một hệ thống lớn, đa ngành, có vai trò chiến lược.
Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Bùi Thành Nam đề xuất: Việc điều chỉnh Luật cần xem xét kỹ các tác động thực tế, đồng thời nâng cao vai trò Hội đồng trường như một thiết chế quan trọng trong tự chủ và điều hành chiến lược nhà trường.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Nguyễn Anh Thu cũng là một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Về mặt phân bổ nguồn lực, nếu theo hướng “cào bằng” thì khó tạo ra đột phá. Mô hình đại học quốc gia cần được Nhà nước ưu tiên đầu tư chiến lược để dẫn dắt hệ thống giáo dục đại học phát triển nhanh và bền vững.
Cần sự vào cuộc thống nhất, truyền thông mạnh mẽ về mô hình ĐHQG
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, người đã có hơn 35 năm gắn bó với ĐHQGHN chia sẻ: “tôi ủng hộ mô hình ĐHQG, nhưng để thống nhất cần có tiếng nói chung từ các trường thành viên để Ban Giám đốc ĐHQGHN có thể xây dựng ý kiến tổng thể, phản ánh đúng tầm vóc và đặc thù của mô hình ĐHQG. Để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự ổn định lâu dài trong Luật, tránh sửa đổi gây xáo trộn cơ cấu và định hướng phát triển".
Bà cũng kiến nghị đẩy mạnh truyền thông nội bộ và đối ngoại về hình ảnh OneVNU – một đại học quốc gia thống nhất về quản trị, minh bạch trong vận hành và đồng thuận trong phát triển. “VNU mạnh thì các đơn vị thành viên sẽ mạnh – và ngược lại. Điều đó cần trở thành nhận thức chung của toàn hệ thống".
Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường ghi nhận sự chủ động, trách nhiệm trong thảo luận và đề nghị các trường tiếp tục gửi góp ý bằng văn bản để ĐHQGHN tổng hợp hoàn chỉnh.
Cuộc họp khẳng định sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn hệ thống ĐHQGHN về việc giữ vững và phát triển mô hình đại học quốc gia. Với vai trò tiên phong, ĐHQGHN tiếp tục kiến nghị chính sách sát thực tiễn, làm cơ sở để hoàn thiện Luật Giáo dục đại học, hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, hội nhập và bền vững. Trên cơ sở góp của các đơn vị, ĐHQGHN tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học.
Với vai trò là đại học quốc gia đầu tiên của cả nước, ĐHQGHN luôn tiên phong trong cải cách giáo dục đại học, đồng hành cùng quá trình sửa đổi pháp luật để góp phần xây dựng nền giáo dục chất lượng, hội nhập và phát triển bền vững.